Việc này đã từng xảy ra, nhưng từ cách đây rất rất lâu. Tua ngược thời gian về ngay sau thời điểm xảy ra trận Đại hồng thủy, một nhóm người còn sống sót đến từ phương Đông và nói chung một thứ ngôn ngữ đã quyết định xây nên một tòa tháp mà “đỉnh của nó chạm đến thiên đường”. Tòa tháp này có tên là Tháp Babel, tuy nhiên, hành động này lại không làm được lòng Chúa cho lắm:
Và rồi Người nói: “Nếu chúng tụ họp thành một khối, nói chung một thứ tiếng mà đã làm được thế này, từ nay, chẳng có gì chúng định làm mà không làm được. Nào, chúng ta hãy xuống đó, làm cho tiếng nói của chúng xáo trộn, làm cho chúng không ai hiểu nổi ai.”
Câu chuyện trên chỉ là một biểu tượng tôn giáo, hay đã từng thực sự xảy ra trong lịch sử nhân loại, đó vẫn là câu hỏi lớn đối với các học giả. Chưa có bằng chứng thuyết phục nào cho thấy, tất cả chúng ta đều có chung một ngôn ngữ từ một tổ tiên duy nhất. Dù vậy, các chuyên gia đã chỉ ra rất nhiều điểm tương đồng trong những ngôn ngữ cổ xưa nhất, bao gồm tiếng Hy Lạp, Latin và Sanskrit, coi đó như một bằng chứng rằng những ngôn ngữ hiện đại đều có một nguồn gốc chung – mọi thứ ngôn ngữ từng tồn tại chỉ là một bản chính sửa của một thứ đã ra đời trước nó.
Chưa ai biết được nguồn gốc của toàn bộ ngôn ngữ của nhân loại, nhưng có một điều chắc chắn rằng, thế giới chưa bao giờ nói chung một ngôn ngữ, tại bất kỳ thời điểm nào từng được biết đến trong lịch sử loài người. Tuy nhiên, có một sự thật rằng: càng ngày, hàng rào ngôn ngữ càng bị xóa bỏ. Nhiều chuyên gia dự báo rằng, cho đến năm 2100, một nửa số ngôn ngữ hiện có sẽ hoàn toàn biến mất.
Tương lai của ngôn ngữ
Nhiều chuyên gia tin rằng, chúng ta đang hướng đến một thế giới nói chung một ngôn ngữ, đặc biệt là trong hoàn cảnh toàn cầu hóa đang biến giao tiếp trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết. Có lẽ, mọi người đều có thể học thứ ngôn ngữ chung này bên cạnh tiếng mẹ đẻ của họ. Vấn đề này đặt ra câu hỏi, liệu thứ ngôn ngữ chung đó có làm biến mất mọi ngôn ngữ trên thế giới?
Câu trả lời là “không” hoặc “không, ít nhất là trong vòng nhiều triệu năm tới”. Bởi ngôn ngữ gắn bó quá chặt chẽ với văn hóa, thuần phong mỹ tục và danh tính của con người. Sự trỗi dậy của một thứ ngôn ngữ nào đó sẽ tạo ra quá nhiều ảnh hưởng lên các giá trị văn hóa, những rắc rối về chính trị và sự cân bằng quyền lực. Nếu một quốc gia, hay một vùng lãnh thổ nào đó trở nên chiếm ưu thế thế về mặt ngôn ngữ, họ có thể dễ dàng đặt tầm ảnh hưởng của mình lên toàn bộ nhân loại. Cơ hội việc làm, mong muốn hòa nhập, bạn chỉ có thể có những điều này nếu bạn thông thạo thứ ngôn ngữ chung đó.
Một vài người cho rằng, xóa nhòa ranh giới ngôn ngữ cũng đồng nghĩa với việc giảm bớt thù hận giữa các dân tộc. Điều này hoàn toàn đúng, về mặt lý thuyết. Chúng ta vẫn đang chứng kiến rất nhiều bất đồng trong nội bộ dân tộc, từ Trung Đông, Triều Tiên, và thậm chí là sự phân biệt vùng miền vẫn còn cực kỳ phổ biến trong lãnh thổ Việt Nam.
Liệu ngôn ngữ toàn cầu có thể tồn tại chung với tiếng bản địa?
Ngôn ngữ chỉ là một mảnh ghép nhỏ trong bức tranh vô cùng phức tạp của nhân loại. Nó đứng cạnh hàng trăm sắc màu khác, từ văn hóa, tôn giáo, đức tin, âm nhạc, những sắc màu đó làm nên sự riêng biệt cho từng cá nhân, từng dân tộc, từng nền văn hóa. Những thứ đó làm mỗi chúng ta có vị trí riêng trong từng chặng đường phát triển của nhân loại.
Cái giá phải trả cho việc toàn cầu hóa ngôn ngữ là quá đắt. Ngôn ngữ chung đè bẹp ngôn ngữ riêng, điều đó đồng nghĩa với việc cuốn trôi hàng nghìn nền văn minh đang tồn tại trên Trái đất. Nhưng điều gì sẽ xảy ra, nếu 2 thứ đó có thể cùng chung sống trong hòa bình? Chúng ta vẫn có thể giữ được những gam màu cho riêng mình, nhưng vẫn còn đó cơ hội cho công việc, học tập và quan hệ trên khắp toàn cầu.
Điều này gần như là bất khả thi. Ngôn ngữ luôn gắn chặt với nhu cầu giao tiếp của con người, chúng ta cần ngôn ngữ như một vật dụng thiết yếu hàng ngày. Chính điều này làm cho việc học ngoại ngữ gần như gắn liền với dòng chảy chính trị và kinh tế. Chúng ta học ngoại ngữ vì những cơ hội việc làm, học tập, chúng ta không cần đến nó cho những thứ xa vời như hòa bình thế giới, phát triển nhân loại…
Esperanto là một ví dụ điển hình. Nó là thứ ngôn ngữ được thiết kế đặc biệt nhằm mục đích tạo ra thứ ngôn ngữ chung cho toàn bộ nhân loại. Tuy nhiên, chỉ với 2 triệu người sử dụng tính tới thời điểm này, có vẻ như mục tiêu ban đầu của nó sẽ còn cần rất nhiều thời gian nữa mới thành hiện thực, hoặc có thể là vĩnh viễn không bao giờ đạt được. Rất đơn giản, bởi nó không phải là thứ ngôn ngữ của một nền văn hóa phát triển về mặt kinh tế và chính trị. Nếu có xuất hiện trong list ngoại ngữ cần học của bạn, có lẽ nó sẽ đứng xuống đáy bảng xếp hạng vốn đã chật ních những cái tên phổ biến như Anh, Trung, Pháp, Nhật, Hàn….
Một vài người cho rằng, chúng ta đã có chung một thứ ngôn ngữ rất có tiềm năng: Tiếng Anh. Được sử dụng ở trên 100 quốc gia trên thế giới, tiếng Anh đã trở thành thứ ngôn ngữ cực kỳ phổ biến. Tuy nhiên, rất có thể đây chỉ là sự phổ biến tạm thời. Dòng chảy kinh tế, chính trị và văn hóa có thể đưa tiếng Anh lên đỉnh cao trong thời điểm hiện tại, nhưng ngược lại, nó cũng có thể cuốn phăng tiếng Anh ra khỏi bản đồ ngôn ngữ trên thế giới.
Tiếng Anh, tiếng Trung hay bất cứ thứ tiếng nói nào khác có thể thay nhau thống trị nền văn hóa thế giới, nhưng có một điều chắc chắn sẽ không bao giờ thay đổi: Con người vẫn luôn trung thành với tiếng mẹ đẻ của mình, dù nó có phức tạp và lạc hậu đến đâu đi chăng nữa. Bởi ngôn ngữ có ý nghĩa lớn hơn cả một phương tiện giao tiếp. Nó là một nền văn hóa, nó là gam màu đặc trưng cho mỗi dân tộc, mỗi cá nhân, và nó quan trọng đến mức gần như không thể bị xóa bỏ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét