Thứ Ba, 30 tháng 4, 2013

ALBERT EINSTEIN

Einstein có tính ưa khôi hài. Có lần Vua hề Charlie Chaplin nhận được thư khen của Einstein sau khi xem phim Nhật ký đào vàng. Einstein viết: Ngài chỉ diễn câm thế mà mọi người trên thế giới đều hiểu. Ngài chắc chắn sẽ trở thành một nhân vật vĩ đại. Chaplin đã dí dỏm có thư phúc đáp như sau: Tôi càng kính phục ngài hơn. Thuyết tương đối của ngài không ai hiểu gì cả thế mà ngài đã trở thành một nhân vật vĩ đại rồi.

Có lần Einstein bị một nhóm ký giả vây quanh. Một người hỏi: Thưa ngài, giữa thời gian và sự vô tận có sự khác biệt như thế nào? Einstein vui vẻ trả lời: Ông bạn thân mến, nếu tôi có thời gian để giải thích cho bạn sự khác biệt đó thì sẽ là sự vô tận trước khi bạn hiểu điều đó.

Einstein có cuộc sống rất thanh thản, giữa các giờ nghiên cứu miệt mài ông thường tự thư giãn bằng thú vui kéo violon hay tập thể dục. Ông cũng có tính đãng trí bác học. Có lần, trên xe buýt ông đánh rơi kính. Đang lom khom sờ soạng dưới sàn xe thì cô bé đứng đối diện nhặt chiếc kính dúi vào tay ông. Ông vồn vã: Cám ơn cháu. Cháu tên là gì nhỉ? Cô bé véo má ông: Con là Clara Einstein đây bố ạ.

Einstein sống rất vui vẻ với bạn bè và các học trò của mình. Tuy nhiên, người đời vẫn gọi ông là Lữ khách cô đơn - mặc dù ông đã có 2 đời vợ và khá nhiều người tình.

Tuy là người Đức nhưng vì có gốc Do Thái (đã có lần được đề nghị làm Tổng thống Israel nhưng ông từ chối), nên ông bị buộc rời Đức vào năm 1933. Ông sang dạy học ở Pháp, Bỉ, sau đó sang Mỹ và nhập quốc tịch Mỹ. Tại đó, ông bị cơ quan tình báo FBI lập hồ sơ theo dõi dày tới 1.427 trang. Trong một bức thư gửi Johann Fantova, người tình trong nhiều năm cuối đời, ông than vãn: "Không thể vượt qua được thế lực của những kẻ ngu dốt, vì chúng quá đông".

Einstein được nhận giải thưởng Nobel vào năm 1921. Nhân loại luôn biết ơn ông và hình ảnh ông được in trên tem, đúc tượng, vẽ tranh và đặt tên đường phố tại nhiều quốc gia trên thế giới. Năm 1945, ông đã gửi thư cho Tổng thống Mỹ Roosevelt khuyên can không nên sử dụng vũ khí nguyên tử, nhưng Mỹ không nghe và đã ném bom nguyên tử xuống Hiroshima và Nagasaki. Tháng 5/1946, ông được bầu làm Chủ tịch Ủy ban cảnh giác của các nhà bác học nguyên tử. Cho đến trước khi mất (1955), lúc nào ông cũng tích cực đấu tranh chống lại việc phổ biến vũ khí hạt nhân.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét